Chi Tiết Tin Tức

Gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà: Vẫn còn nhiều lo ngại

 

Về mặt lý thuyết, gói hỗ trợ lãi suất có thể sẽ tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới. Vì hiện nay rất nhiều người có nhu cầu mua nhà trả góp. Song thực tế, gói lãi suất này có tác động để phá băng thị trường bất động sản hay không lại là vấn đề khác.

 

 

 

Với một loạt chính sách quyết liệt mới của Chính phủ từ cuối năm 2012 nhằm vực dậy thị trường bất động sản, trong đó có việc Chính phủ công bố hỗ trợ vốn vay ưu đãi với lãi suất 7-8%/năm trực tiếp cho người dân có nhu cầu mua  nhà được cho là sẽ hâm nóng thị trường bất động sản, mở ra một năm 2013 có  nhiều dấu hiệu lạc quan!

Kỳ vọng vào gói giải pháp hỗ trợ

Thị trường BĐS hiện đang có dấu hiệu ấm lên với những quyết sách của Chính phủ nhằm vực dậy thị trường BĐS như: cho phép chia nhỏ căn hộ, chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho các chủ đầu tư, cho vay lãi suất thấp với người mua nhà. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng gói giải pháp hỗ trợ, phá băng thị trường BĐS của các cơ quan chức năng là khá toàn diện, có sự tham gia của nhiều bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên có một vấn đề mà gói giải pháp cần giải quyết là nhiều người nghèo hiện vẫn không có nhà ở trong khi có một lượng lớn căn hộ cao cấp vẫn đang trong tình trạng tồn kho không thanh khoản được.
 
 
Vì vậy để gói giải pháp thực sự phát huy được tác dụng, theo ông Đặng Hùng Võ: Trước hết Nhà nước cần đẩy mạnh nguồn cung nhà giá rẻ, đáp ứng nhu cầu mua nhà của đông đảo người lao động có nhu cầu thực sự về nhà ở. Bên cạnh đó phải giải quyết được số nhà ở cao cấp tồn đọng, liên quan đến nợ xấu. Tóm lại là gói giải pháp phải đáp ứng được cả hai nhu cầu đó”. Các chuyên gia cũng cho rằng đó mới chỉ là đường hướng đúng đắn, còn điều quan trọng là thực hiện đường hướng đó như thế nào, có minh bạch và công bằng hay không thì gói giải pháp mới thực sự có tác dụng.

TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho biết: Chính phủ đưa ra rất nhiều phương sách cứu thị trường BĐS nhưng dường như các giải pháp được đưa ra chủ yếu là  giúp bên cung mà nguy cơ của thị trường BĐS hiện nay đối tượng cần hỗ trợ chính là bên cầu. Vấn đề lúc này là chúng ta phải cân bằng lại quan hệ cung - cầu mới là cách cứu thị trường BĐS.

Vẫn còn nhiều lo ngại

Về mặt lý thuyết, gói hỗ trợ lãi suất có thể sẽ tác động đến thị trường BĐS trong thời gian tới. Vì hiện nay rất nhiều người có nhu cầu mua nhà trả góp. Song  thực tế, gói lãi suất này có tác động để phá băng thị trường bất động sản hay không lại là vấn đề khác. Thời gian vừa qua cũng đã có những gói hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng thương mại cổ phần cho cả doanh nghiệp và người mua nhưng mang tính ngắn hạn, thông thường cam kết mức lãi suất thấp trong 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm đầu tiên. Sau đó, lại thả nổi lãi suất khiến người mua mất lòng tin và vẫn còn lo ngại lại suất bị thả nổi, người dân sẽ không có khả năng chi trả. Mặc dù gói tín dụng được coi là “bom tấn” để “kích” thị trường bất động sản vẫn chưa được áp dụng, song người mua vẫn còn tâm lý lo ngại và mong muốn các ngân hàng có chính sách lãi suất minh bạch với mức thời hạn cụ thể đối với mức lãi suất ưu đãi cũng như mức lãi suất trong thời gian tiếp theo.

Còn một nguyên nhân khác gây tâm lý lo ngại cho người dân đó là các ngân hàng thương mại thường kết hợp với các chủ dự án để thực hiện lãi suất ưu đãi, điều này dẫn đến việc người có nhu cầu được hưởng lãi suất ưu đãi phải mua nhà của dự án mà họ không mong muốn. Đây thường là các dự án mới khởi công, hoặc đang khởi công... Và như vậy không có ai đảm bảo cho người mua về tiến độ bàn giao nhà. Khi người dân vẫn chưa tin tưởng vào gói cho vay ưu đãi thì khó có thể nói sẽ kích cầu thị trường. Bởi thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều bài học về sự thiếu minh bạch trong thị trường bất động sản. Nhiều người  dân đã bị “om” tiền vào các dự án “ma”, dự án trên giấy, dự án chậm tiến độ một cách vô thời hạn.

Để người dân có quyết tâm mua nhà, cần vực dậy niềm tin. Một trong những nguyên nhân khiến thanh khoản thị trường BĐS thời gian qua chưa khởi sắc dù giá nhà đã giảm khá mạnh là do sự sụt giảm niềm tin của khách hàng vì sự thiếu minh bạch.

Lạc quan vào năm 2013

Năm 2012 có thể xem là đáy của thị trường BĐS và theo chu kỳ, năm 2013 sẽ khởi sắc trở lại với sự bùng nổ của nguồn cung căn hộ ở phân khúc bình dân. Người mua sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn. TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cũng cho rằng: Nếu có những giải pháp thích hợp, thị trường BĐS 2013 sẽ hồi phục. Mặc dù năm 2013 vẫn có dấu hiệu suy thoái nhưng nếu chúng ta biết áp dụng giải pháp thích hợp vẫn có thể xoa dịu mức độ trầm trọng và có thể làm khởi sắc thị trường BĐS. Đây cũng là lúc các nhà làm chính sách nhìn lại rút ra bài học để thay đổi, nâng cao công tác quản lý BĐS.

 

(Theo ANTĐ)
hỗ trợ trực tuyến
Nhà Bán Gấp